Câu chuyện 3,000 đô một đêm, đó là cú điện giật đầu tiên của một cô gái 25 tuổi, trong khi mình đang thuê nhà trọ 500,000 đồng/tháng thì có vị khách trả 3000 đô một đêm ở khu căn hộ Somerset Grand Hanoi nơi tôi làm việc năm 2006. Ôi mẹ ơi! Cô bé cứ mắt tròn mắt dẹt không thể nào lý giải được cái gì trong căn phòng đó đã tạo ra một mức giả không tưởng như vậy, bản tính tò mò đã thôi thúc tôi phải khám phá bằng được thế giới đẳng cấp đó là gì và đã được Tổng giám đốc dạy cho bài học về hàng hiệu, thế là nhân sinh quan thay đổi, con đường như rộng mở phía trước, mình phải thành nhân sự hàng hiệu mới được.
Thêm nữa, hồi đó mức lương mình 5 triệu đồng/tháng, cách đây 16 năm đó cũng là mức cao so với lao động Việt Nam, tưởng đã ngon nhưng mở bảng lương thấy ông Sếp nước ngoài gấp mình hơn 20 lần, chưa kể tất cả chi phí cho cuộc sống theo tiêu chuẩn 5*: căn hộ hạng sang, vé thương gia … đều được phục vụ chu đáo, không tin vào mắt mình, té xỉu L! Một trời xa cách giữa Tây và Ta. Lại câu hỏi tại sao, tại sao và tại sao? Câu hỏi hách não đó đã đẩy tôi phải tìm bằng được con đường đường “bán mình” với giá hàng hiệu.
Nhưng trăn trở nhất là khi dấn thân vào nghiệp Nhân sự - Đào tạo trong gần 20 năm qua, vẫn là bài toán con người, một sự lãng phí đau lòng khi chứng kiến hầu hết các bạn trẻ loay hoay tối thiểu 5 năm sau khi ra trường vẫn “mãi mãi tinh thần thử việc”, làm việc nào cũng 3 – 6 tháng là nản, là mệt, là không thể thích nghi được. 5 năm/30 năm cũng gần 20% chặng đường rồi, giai đoạn vàng để xây dựng nền móng mà vậy thì biết cái nhà sự nghiệp sẽ trở nên thế nào rồi đó.
20 năm đó có 10 năm theo Tây, các hệ thống Tây đều có hệ thống đào tạo bài bản và cũng chú trọng đào tạo lắm nhưng có những điểm yếu cố hữu thuộc kiểu “giang sơn dễ đổi, bản tính khó dời” nên đa số họ chuyển sang chiến lược “hớt váng” hay còn gọi là “money fishing” tranh thủ khai thác được tinh hoa, hoàn thành xong nhiệm kỳ tốt đẹp họ lại "bye bye" chưa chắc đã "see you again." Khi mình nghiệm ra được chân lý đó, cũng cay cú lắm, cái tính dân tộc nổi lên mình quyết định từ bỏ Tây về với Ta.
Về làm với Ta và Ta còn là chủ đầu tư xịn, công ty quy mô gần 100,000 nhân sự nên muốn hớt váng cũng khó, lúc này buộc lòng phải tìm giải pháp đào tạo. Thú thực, có đào tạo có đỡ hơn nhưng so với chi phí đầu tư thì kết quả thu lại là không hiệu quả. Người lớn đi làm không còn trong tâm thế đi học nữa, bộn bề lo toan nên người ngồi học đó nhưng tâm trí cứ để đi đâu, nên bao nhiêu triệu đô đầu tư vào vẫn một kết luận “chưa đạt”. Bản thân là người trực tiếp triển khai đào tạo và chi tiền cũng vô cùng căng thẳng có những lúc đúng là “phát điên” vì mình đã xoay đủ cách mà vẫn “chưa đạt”. Tôi ác mộng với từ “chưa tới”, “chưa đạt”. Và rồi sau rất nhiều bài học xương máu, nghiên cứu rất nhiều bài phân tích về nguồn lực tôi cũng đành chấp nhận một sự thật rằng HIỆU QUẢ nó thuộc về PHẨM CÁCH của con người, nếu nó không được định hướng và đào tạo từ nhỏ thì vào doanh nghiệp giống như “ván đã đóng thuyền” có đâp đi làm lại thì cũng đầy thương tích mà không phải ai cũng có khả năng chịu đòn kiểu vậy.
Từng đó trải nghiệm đã giúp tôi ngộ ra một điều: doanh nghiệp muốn có nguồn lao động tốt thì không chỉ tập trung đào tạo nhân sự đầu vào, và cũng không chỉ mở rộng đến các chương trình internship với sinh viên đại học mà phải kết hợp với trường phổ thông để hướng nghiệp cho các em từ nhỏ, cùng xây dựng cho các em những phẩm chất tốt làm nền tảng cho quá trình hội nhập và thích ứng được với thế giới việc làm đầy biến động sau này. Song song với đó các trường phổ thông muốn đào tạo ra những thế hệ học sinh tự tin hội nhập, trở thành những nhân sự chất lượng cao thì cũng phải kết nối với Đại học và doanh nghiệp để tăng trải nghiệm thực tế cho các em, đưa các em tiến dần vào thực tiễn cuộc sống để học được các năng lực sinh tồn và phát triển. Một ý tưởng lấp ló về tăng cường trải nghiệm hướng nghiệp thực tiễn đã xuất hiện. Cũng rất hào hứng nhưng khi đưa ra chia sẻ với ai thì đều gặp cái lắc đầu: khó lắm, đó là câu chuyện của cả Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng đã làm rất nhiều mà vẫn chưa tới. Đề tài tốn không biết bao nhiêu công sức giấy mực chả chục năm nay rồi đó, chỉ cần Google search Hướng nghiệp trong vòng 43 giây tôi đã có gần 5,4 triệu kết quả, có lúc tôi đã tự nhủ thôi dừng lại vậy, nhà bao việc lo chưa hết, lại ôm thêm một ý tưởng đau đầu này làm gì.
Nhưng đúng là cái gì đã trở thành ám ảnh và trăn trở thì muốn gạt sang một bên cũng khó. Tôi vẫn cứ say sưa nói về nó bất kỳ lúc nào có cơ hội và rồi duyên cũng tới, một đồng đội trong BĐH ML từ ĐH Phenikaa đã đề xuất một ý tưởng để tăng cường hoạt động trải nghiệm cho học sinh THPT với Đai học và từ ý tưởng đó cả BĐH chúng tôi đã cùng phân tích, thảo luận và phản biện, sau 6 tháng thì đề án được xây xong. Một buổi ra mắt không thể tuyệt vời hơn, có sự tham gia của đại diện Bộ giáo dục, đại diện của 11 sở giáo dục, 22 lãnh đạo từ Trường Đại học, Cao đẳng, trường nghề, 10 lãnh đạo từ doanh nghiệp và hơn 150 hiệu trưởng từ các trường phổ thông trên toàn quốc đã tham dự. Dự án được đánh giá cao về tính thực tiễn và đúng khát khao tìm kiếm của nhiều hiệu trưởng. Trong giai đoạn 1, chúng tôi dự kiến triển khai thí điểm trong 10 trường PTTH thì đã có 15 trường đăng ký, đều là những trường top đầu như chuyên Lê Hồng Phong Nam Định, Trần Nguyên Hãn – Hải Phòng, Gang Thép Thái Nguyên, Phan Huy Chú Đống Đa, Yên Hòa, Newton, Olympia, Ban Mai …..
7 anh em trong ban sáng lập dự án động viên nhau thôi thì cũng phải có những trái tim đanko, mình chưa làm được lớn thì hãy bắt đầu từ nhỏ, có 10 trường sẽ có 30, 50, 100 và hành trình sẽ được hợp lực và lan tỏa khi giải pháp thực sự mang lại giá trị thiết thực.
Ngọn lửa của EdulightenUp đã thắp lên, chúng tôi mong nhận được sự đồng hành của cả 3 nhà để dự án “Tam giác hướng nghiệp hiệu quả” được hiện thực hóa được sứ mệnh tốt đẹp của nó.
Cảm ơn những đồng đội trên cả tuyệt vời trong Ban Điều Hành ML đã cùng truyền cảm hứng cho nhau để khai sinh ra một dự án ý nghĩa, dự án phi lợi nhuận với mục đích cống hiến hoàn toàn cho Giáo dục, một phần kinh phí hoạt động được tài trợ bởi ĐH Phenikaa, còn lại đang là sự tự nguyện đóng góp cả con tim và khối óc của Ban sáng lập. Chúng ta hãy cùng nhau giữ tinh thần đó, cam kết đó để hội tụ thêm được nhiều nhà quản lý cùng đam mê để triển khai thành công dự án nhé!
Cảm ơn Chị, dù rất bận nhưng khi em nhờ tham gia chia sẻ lăng kính của lãnh đạo doanh nghiệp và truyền cảm hứng cho các thầy cô, chị cũng đã vui vẻ nhận lời và có bài chia sẻ rất sâu sắc và thấm thía, mở thêm tầm nhìn cho thầy cô kết nối từ trường học tới thế giới việc làm.
Cảm ơn các chuyên gia, các nhà lãnh đạo/quản lý giáo dục trên toàn quốc đã tham gia chia sẻ, đóng góp ý kiến và cổ vũ cho dự án được ra mắt thành công!
#EdulightenUp; #Phenikaa Thắp lửa cùng tiến lên!
Chia sẻ của bà Phan Thị Hồng Dung - Chủ tịch Mạng Lưới EduLightenUp sau Hội thảo tháng 10 - Tam giác hướng nghiệp hiệu quả
Comments