top of page

NỘI DUNG HT T2/2024: ĐỔI MỚI VÀ TIỀM NĂNG: HỘI THẢO GIÁO DỤC STEM DÀNH CHO CÁC NHÀ QUẢN LÝ GIÁO DỤC


Tối 25/2/2024, Mạng lưới quản lí giáo dục không biên giới - EdulightenUp thuộc Viện Nghiên cứu và Phát triển Quản lí giáo dục (ELRD) đã tổ chức Hội thảo online "ĐỔI MỚI VÀ TIỀM NĂNG: HỘI THẢO GIÁO DỤC STEM DÀNH CHO CÁC NHÀ QUẢN LÝ GIÁO DỤC"



      Hội thảo do nhà giáo Nguyễn Thị Thu – Phó Hiệu trưởng trường THPT chuyên Nguyễn Tất Thành, Yên Bái - thành viên Ban Điều hành Mạng lưới Quản lý Giáo dục không biên giới EdulightenUp điều phối đã thu hút được hàng ngàn các cán bộ quản lý, các nhà giáo đến từ các cơ sở giáo dục trên toàn quốc tham dự thông qua nền tảng zoom và link phát trực tiếp trên Fanpage của Mạng lưới quản lý giáo dục không biên giới.


      Mở đầu hội thảo, Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và ứng dụng STEM – Đại học sư phạm Tp. Hồ Chí Minh đã chia sẻ cho đại biểu những thông tin liên quan đến giáo dục STEM trên thế giới cũng như các hình thức tổ chức giáo dục STEM mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đã triển khai.

     



  Giáo dục STEM gắn liền với rất nhiều lĩnh vực trong cuộc sống.

     



Trong quá trình triển khai không tránh khỏi những khó khăn về nhận thức, nhân sự, ý tưởng, thời gian, kinh phí… Tuy nhiên, để vượt lên khó khăn và có kết quả thì không thể bỏ qua vai trò của cấp trường – đơn vị hạt nhân của cả hệ thống cũng như vai trò quan trọng của người hiệu trưởng – người sẽ đồng hành với giáo dục STEM





Cũng trong chương trình, Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Anh - Thành viên Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực Việt Nam đã chia sẻ một số kinh nghiệm về việc triển khai giáo dục STEM trong nhà trường. Đầu tiên đó là giúp cho giáo viên hết “mơ hồ” về giáo dục STEM, hiểu rõ ý nghĩa của việc dạy học STEM. Từ đó xây dựng lộ trình triển khai giáo dục STEM, huy động các nguồn lực thúc đẩy giáo dục STEM trong nhà trường. Đặc biệt, một bước rất quan trọng đó là truyền động lực cho học sinh và giáo viên. Cô Thu Anh cũng nhấn mạnh, để tạo nên thành công của giáo dục STEM thì người Hiệu trưởng phải là người tâm huyết và yêu thích giáo dục STEM nhất trường!






Thầy Phan Quang Vinh, Hiệu trưởng trường TH, THCS, THPT Song ngữ Lạc Hồng, TP Biên Hòa tỉnh Đồng Nai, một trong những đơn vị rất tích cực trong công tác triển khai giáo dục STEM - đã tâm huyết chia sẻ kinh nghiệm triển khai tại chính ngôi trường của mình trong bối cảnh có nhiều thách thức cả về cơ sở vật chất lẫn tâm tư đội ngũ. Thầy Vinh hiểu rằng người hiệu trưởng là nhân tố quyết định để tạo nên thành công của việc triển khai hoạt động STEM tại trường TH, THCS, THPT Song ngữ Lạc Hồng. Chính vì vậy, bản thân thầy đã thay đổi nhận thức và miệt mài trong hành trình đổi mới. Bắt đầu từ công tác bồi dưỡng đội ngũ, truyền động lực cho giáo viên và học sinh. Và rồi kết quả đạt được đã chứng minh cho chúng ta thấy rằng vai trò của người lãnh đạo thực sự rất quan trọng




Cũng trong chương trình, các đại biểu đã được nghe chia sẻ, thảo luận đến từ rất nhiều thầy cô: PGS.TS Chu Cẩm Thơ, trưởng ban Ban Nghiên cứu và Đánh giá giáo dục, viện Khoa học và Giáo dục Việt Nam; cô Đoàn Thu Hà, hiệu trưởng trường PTLC Phenikaa School; thầy Phạm Việt Dũng - chủ nhiệm phòng Maker's Space trường PTLC Phenikaa School; thầy Đỗ Đức - thầy giáo đam mê STEM đến từ Hệ thống giáo dục Maya; TS. Dương Tuấn Hương - Phó trưởng Ban tổ chức Ngày hội STEM Quốc gia năm 2023, đại diện Liên minh STEM Việt Nam; cô Vàng Thị Dính đến từ Đồng Văn, Hà Giang,...




Chia sẻ của đại biểu đều hướng tới các nội dung và kinh nghiệm triển khai giáo dục STEM, mong muốn và kỳ vọng để các cơ sở giáo dục triển khai tốt hơn nữa giáo dục STEM. Đồng thời các đại biểu cũng đánh giá cao chất lượng chuyên môn của Hội thảo và mong muốn được tham dự, học hỏi từ nhiều chương trình hơn nữa.

Hiện tại, video phát trực tiếp Hội thảo trên trang Fanpage của Mạng lưới vẫn tiếp tục được chia sẻ với hàng ngàn lượt xem và hàng trăm bình luận tích cực đánh giá cao chương trình.

 

Có thể nói giáo dục STEM đề cao một phong cách học tập mới cho người học, đó là phong cách học tập sáng tạo. Đặt người học vào vai trò của một nhà phát minh, người học sẽ phải hiểu thực chất của các kiến thức được trang bị; phải biết cách mở rộng kiến thức; phải biết cách ứng dụng, chế biến lại cho phù hợp với tình huống có vấn đề mà người học đang phải giải quyết. Sự thẩm thấu kiến thức theo cách như vậy chính là một trong những định hướng mà giáo dục tiên tiến cần tiếp cận. Tuy vậy, có thể thấy phương thức dạy học như trên là không hề dễ dàng ngay cả đối với thế giới chứ không chỉ riêng trong điều kiện hiện nay của chúng ta. Cho nên, để triển khai thành công giáo dục STEM không thể thiếu tâm huyết của những người thầy, của những nhà quản lý giáo dục mà Hội thảo lần này là một chương trình rất thiết thực, ý nghĩa góp phần thúc đẩy và nâng cao chất lượng giáo dục STEM trong các nhà trường.




Trân trọng kính mời các thầy cô xem lại buổi livestream tại link: https://fb.watch/qrVlqJADms/

Trân trọng

30 lượt xem0 bình luận

Comments


bottom of page